Vân Môn ba ngày

Vân Môn ba ngày

Một hôm Vân Môn nói với tăng chúng, “Có câu nói rằng, ‘Ba ngày có thể làm một người đổi khác.’ Còn các ông thế nào?” Trước khi người ta có thể trả lời, sư lặng lẽ nói, “Một ngàn.”

Như Huyễn: Câu nói này rất phổ biến trong giới văn học Trung hoa từ thế kỷ thứ ba sau Tây lịch, phát xuất từ câu chuyện một vị tướng quân có một người phụ tá ngu nhất xứ. Có lần vị tướng quân đề nghị người ngu kia đọc thêm sách. Không bao lâu sau đó vị tướng quân có công việc phải đi vắng, và khi trở về ông ta thấy rằng người phụ tá của mình không còn ngu nữa, với quan niệm thay đổi và tin tức nhiều hơn đã có được trong lúc xa nhau. Vị tướng quân rất hài lòng và ca ngợi người phụ tá, “Ba ngày có thể làm một người đổi khác.”

Ignacy Paferewshi có lần nhận xét, “Nếu tôi không thực hành một ngày, tôi có thể nói ra sự đổi khác; nếu tôi không thực hành hai ngày, người phê bình của tôi có thể nói ra sự đổi khác; nếu tôi không thực hành ba ngày, mọi người có thể nói ra sự đổi khác.”

Số ngày không dính dáng gì với công án. Vào lúc đó một số tăng nhân dưới Vân Môn có thể hãnh diện về sự tiến nhanh của họ trong Thiền trong thời gian an cư và một số khác có thể hổ thẹn vì sự thiền định chậm tiến của họ bất chấp số năm họ đã ở với Vân Môn. Khi Vân Môn nói, “Một ngàn,” sư cũng không viện dẫn thời gian hay con số. Sư là một học giả Hoa Nghiêm dựa vào triết lý cho rằng một phút chứa trọn một ngàn năm và một ngàn năm chỉ là một phút. Câu trả lời của sư có tính cách chỉ dạy hơn khuyến khích.

Fugai: Nếu tôi có ở đó, tôi sẽ tát vào má Vân Môn một cái. Chẳng phải ba ngày mà mọi hơi hít vào và thở ra đều có thể thay đổi một người. (Rồi, sau cái “Một ngàn” của Vân Môn) Vân Môn vẫn có cùng bộ mặt xưa.

Như Huyễn: Lúc ấy nếu có tôi ở đó, tôi có thể đứng lên cúi đầu lễ bái Vân Môn và chúc thọ lão sư vạn sự như ý.

Genro: Vân Môn mở cửa hàng tự mua tự bán, như vậy chẳng lời chẳng lỗ. Không trả giá được cái “Một ngàn” của sư. Tôi thà nói, “Vào thời của sư thì được còn như ngày nay thì chẳng được.” Ông không thể thấy ba ngày thay đổi một người sao?

Như Huyễn: Một thầy giáo dạy học luôn luôn đón mừng các học trò cũ đã trở thành học giả vĩ đại hay thương gia giàu có. Ngay từ đầu ông thầy đã biết học trò không phải là kẻ địch, mà sau này họ có thể cho ông uy tín vì phần của ông huấn luyện họ. Các Thiền sư - những người có thể có khuynh hướng làm mất uy tín các đồng nghiệp xưa trong các ngôi chùa cũ - nên tham đi tham lại công án này.